|

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm cuối năm

content:

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, trong khi công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Để kiểm soát và hạn chế ngộ độc thực phẩm, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm bán trên thị trường, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

oan-ki-m-tra-lien-nganh-hu.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chương Mỹ kiểm tra nguồn gốc sản phẩm bán tại một siêu thị trên địa bàn. Ảnh: Hương Giang

Giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 433 cơ sở, trong đó: Tuyến huyện kiểm tra 86 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra 347 cơ sở. Tổng số cơ sở bị xử lý vi phạm là 14 cơ sở; số tiền xử lý vi phạm là 27,7 triệu đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi thực hiện tốt quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung, từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; triển khai thí điểm Đề án "Nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2022-2026"; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Phòng Y tế huyện cũng phối hợp các phòng, ban, đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; duy trì mô hình điểm cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thị trấn Văn Điển, mô hình thức ăn đường phố tại 16 xã, thị trấn, mô hình cảnh báo nhanh an toàn thực phẩm tại 16/16 xã, thị trấn; duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Do đó, từ đầu năm đến nay, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Để bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiếp tục tuyên truyền, xử lý vi phạm

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn khó khăn do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm. Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động thời vụ, không có địa điểm cố định, một số người kinh doanh từ địa phương khác đến, khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật. Cán bộ tuyến huyện và tuyến xã kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp khó khăn và bị động trong triển khai hoạt động kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm…

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Để giám sát an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, huyện yêu cầu các hội, đoàn thể, xã, thị trấn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tiến hành rà soát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ngành Y tế để triển khai đầy đủ, quyết liệt; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Huyện Hoài Đức cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về an toàn thực phẩm; duy trì các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hướng dẫn doanh nghiệp trong đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn…

Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, huyện phối hợp với đội quản lý thị trường tăng cường thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm kinh doanh thực phẩm nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; công bố rộng rãi đường dây nóng để người dân có thể dễ dàng thông tin, phản ánh. Mặt khác, huyện yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra bếp ăn tập thể trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nấu ăn lưu động; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, phối hợp với các tổ chức liên quan để vận động, tuyên truyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với cơ sở nhỏ lẻ; xây dựng những mô hình điển hình trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn…

Đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường giám sát, xử lý vi phạm vẫn là những giải pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 687
Số lượt truy cập: 336483